Thứ Năm, 28 tháng 10, 2021

Thử nhận diện tiểu thuyết từ sau 1945

 Thử nhận diện tiểu thuyết từ sau 1945

1. Nỗi ao ước của nhiều người cầm bút.
Lý do khiến cho cả nhà văn lẫn bạn đọc coi trọng tiểu thuyết: thói quen thưởng thức và khả năng thể loại.
Viết về Trần Đăng, sau những đoạn kể chuyện nhà văn này sôi nổi đi với bộ đội, bám sát đời sống để viết, nhà văn Nguyễn Đình Thi đưa ra một dự đoán khái quát: “Thực dân Pháp và Tàu trắng đã giết thêm của chúng ta một nhà văn mà riêng phần tôi tin là một nhà tiểu thuyết lớn sau này”.
Khi nhìn lại cuộc đời Nguyễn Thi, nhà văn Nguyễn Minh Châu rất trân trọng những truyện ký hôm nay Nguyễn Thi đã viết ra, nhưng vẫn coi đó chỉ là “một sự chuẩn bị” [4] Cái ám ảnh trong tâm trí Nguyễn Thi, và cả trong chúng ta nữa, khi đọc anh, vẫn theo cách nói của Nguyễn Minh Châu – phải là tiểu thuyết. Để chứng minh tài năng của Nguyễn Thi, bên cạnh truyện ký, bao giờ người ta cũng dẫn ra mấy chương mở đầu của một cuốn tiểu thuyết còn đang viết dở, và không kịp đặt tên, sau này được những người biên tập gọi một cách giản dị là ở xã Trung Nghĩa.
Dù chỉ liếc qua nhiều cuộc đời văn học, chúng ta cũng có thể dễ dàng đồng ý với một nhận xét chung: rất nhiều nhà văn của ta bắt đầu bằng cách viết thơ, làm thơ, rồi rất đông người từ thơ chuyển sang văn xuôi, và cái đích mà nhiều người cảm thấy nhất thiết một người viết văn xuôi phải đạt tới, đó chính là tiểu thuyết.
Tại sao lại có tình hình như vậy?
Sự phong phú về số lượng và sự tương đối chín đều về chất lượng của các tiểu thuyết trước 1945 dường như đã khắc vào trong tâm trí người đọc một khẳng định: nói tới văn học, phải nói tới tiểu thuyết.
Xét trên phương diện bản thân thể loại: Trong việc nắm bắt đời sống, khả năng của tiểu thuyết gần như vô tận. Nói như nhà nghiên cứu văn học Bác-tin: nó không chịu một quy phạm nào; nó luôn luôn là một cái nhìn mới mẻ đang hình thành.
ở ta, nhà văn Tô Hoài cũng từng đưa ra một nhận xét tương tự: Không thể cho tiểu thuyết một nghĩa cố định. Tiểu thuyết lúc nào cũng phát triển và biến đổi. Tiểu thuyết có khả năng tung hoành không bờ.
Trong tay các nhà văn Việt Nam hôm nay, cái khả năng tung hoành của tiểu thuyết hiện lên ra sao, đấy là điều bài viết của chúng tôi dưới đây thử tìm hiểu.
2. Những cuốn sách ra đời sau một giai đoạn lịch sử quan trọng: 
Tiểu thuyết toàn cảnh và những biến dạng phong phú của nó.
Tiếp sau thời gian kháng chiến chống Pháp, có một giai đoạn tiểu thuyết ở ta phát triển khá mạnh (tính ra thuộc loại giai đoạn nó phát triển mạnh nhất, kể từ sau 1945), đó chính là giai đoạn từ 1957-1958 tới khoảng 1963-1964. Nếu không câu nệ mà mở rộng khái niệm tiểu thuyết một chút, tức là tính cả vào đó những tác phẩm người viết chỉ nhìn nhận đặt tên là truyện dài, người ta có thể thấy:
Năm 1957, 12 tiểu thuyết (trong tổng số 25 tập truyện ký được xuát bản);
Năm 1958, 9 tiểu thuyết (trong tổng số 17)
Năm 1959, 6 tiểu thuyết (trong tổng số 19)
Năm 1960, 9 tiểu thuyết (trong tổng số 31)
Năm 1961, 12 tiểu thuyết (trong tổng số 28)
(Theo tài liệu thống kê ở : Phong Lê
Mấy vấn đề văn xuôi Việt Nam 1945-1970, NXB KHXH, 1972).
So sánh với thời gian trước 1954, và những năm đầu tiên sau hoà bình đợt này (1955-1956…) người ta thấy số lượng tuyệt đối của  tiểu thuyết cũng như tỷ trọng của tiểu thuyết trong toàn bộ nền văn học lớn vụt lên. Tại sao? Đại để, có một số nguyên nhân như sau:
a) Sau hòa bình, những người yêu thích viết văn mới có thời giờ và những điều kiện khác để bình tâm ngồi viết.
b) Nhưng quan trọng hơn, là sau hoà bình, nhận thức của các nhà văn về đời sống có những biến chuyển căn bản. Ai nấy đều cảm thấy mình vừa sống qua một thời gian hết sức trọng đại. Bộ mặt của giai đoạn lịch sử ấy ra sao, những mối quan hệ giữa người với người trong giai doạn lịch sử ấy ra sao, những giá trị nào mất đi, những giá trị nào vừa hình thành, v.v... Bằng ấy câu hỏi bao nhiêu câu hỏi khác đòi hỏi phải trả lời bằng tiểu thuyết. Xét trên phương diện loại hình hoá các mô típ chủ yếu, có thể thấy mô típ phổ biến trong tiểu thuyết lúc này là một chặng đời, một quãng đời đã qua. Dòng sông của Nguyễn Chấn là một ví dụ. Tác giả cuốn sách không phải là một nhà văn chuyên nghiệp, sau Dòng sông, gần như anh không viết gì khác, bởi vậy, cuốn tiểu thuyết kia không mấy ai nhắc nhở. Song, nhớ lại câu chuyện – một vùng quê một con sông, qua những thăng trầm của lịch sử xảy đến, những cuộc chia tay hôm qua và những cuộc gặp lại hôm nay – ta có thể chắc chắn khi nói với nhau: một cuốn tiểu thuyết như thế nhiều người muốn viết, và chắc nhiều người đã viết dở. Đất nước đứng lên là gì, nếu không phải là một chặng đường đời ở một vùng đất cụ thể, những con người cụ thể. Thu hẹp hơn vào một hai số phận chính, đó là trường hợp Một chuyện chép ở bệnh viện. Càng thu hẹp hơn nữa, là trường hợp Trước giờ nổ súng của Lê Khâm. Thoạt nhìn, tác phẩm này hình như không có gì liên quan đến dạng tiểu thuyết mà chúng ta đang  nói. Bút pháp chính của tác giả ở đây là dồn ép, dồn ép về mặt không gian, dồn ép trong câu chuyện, dồn ép trong số lượng nhân vật. Song cảm hứng chính chi phối tác phẩm của Lê Khâm vẫn gần gũi với cảm hứng toát ra qua nhiều tác phẩm ở trên đã nói.
Nói rộng ra, từ 1945 đến nay, dạng tiểu thuyết mang tính cách tổng kết một giai đoạn lịch sử rất nhiều. Nhìn lùi về giai đoạn lịch sử trước Cách mạng, đó là trường hợp của những Mười năm (Tô Hoài), Vỡ bờ (Nguyễn Đình Thi), Sóng gầm(Nguyên Hồng). Nhìn lùi về giai đoạn đầu kháng chiến, với lối viết đi sau tỉ mỉ vào một thời gian rất ngắn, nhưng vẫn trải ra toàn bộ xã hội, đó là trường hợp Sống mãi với Thủ đô của Nguyễn Huy Tưởng. Sau này, Những tầm cao của Hồ Phương, Vùng trời của Hữu Mai… cũng là hai ví dụ rành rõ về tiểu thuyết toàn cảnh. Trong khi Cửa sông của Nguyễn Minh Châu, Dưới đám mây màu cánh vạc của Thu Bồn, Thôn ven đường của Xuân Thiều, Gia đình má Bảy của Phan Tứ, Đất Quảng của Nguyên Ngọc… là những biến điệu ở những dạng khác nhau, và chất lượng khác nhau. Trên nét lớn, dạng tiểu thuyết này theo sát những mẫu mực của tiểu thuyết truyền thống thế kỷ XIX mà sau 1954, được dịch khá ồ ạt (tác phẩm của Ban-dắc, Huy-gô, Tác-cơ-rây, Đích-ken, đặc biệt là Chiến tranh và hoà bình của Tôn-xtôi…), dĩ nhiên có cộng thêm vào những kinh nghiệm của tiểu thuyết trước 1945 ở ta. Một dạng tiểu thuyết đã được hình thành. Nó sẽ phân biệt với một dạng tiểu thuyết khác, mà dưới đây, chúng ta sẽ thấy.

0 comments:

Đăng nhận xét