Thứ Bảy, 22 tháng 1, 2022

Về quê ăn Tết: Nỗi lo của những người tuyến đầu và ý thức của mỗi người dân

Hoàng Huy

Thời khắc chuẩn bị đón Tết cổ truyền của dân tộc bước sang năm mới theo lịch âm đang được đếm ngược theo từng ngày và những người con xa quê hương lại đang chuẩn bị hành trang để về đoàn tụ với gia đình, với quê hương sau bao tháng ngày xa cách. Nhất là sau một năm vật lộn chống lại đại dịch Covid 19.

Thế nhưng, những ngày qua, nhiều người con xa quê đang thổn thức lo lắng, họ không quá lo về việc có đủ tiền về quê ăn Tết không, vì điều đó không quan trọng bằng việc được về quê đoàn viên bên gia đình và thăm quê hương bản xứ. Điều mà những người con đi xa quê lúc này đó là dấu hỏi về quy định phòng chống dịch của địa phương có cho phép họ được về quê hương ăn Tết trong trạng thái bình thường mới hay không.


Hình ảnh minh họa

Vì những ngày qua, không ít địa phương đã lên phương án đảm bảo phòng chống dịch trong dịp Tết nguyên đán có phần cực đoan và chính điều đó đã khiến cho dư luận bức xúc, thậm chí Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân gọi tình trạng trên là “phép vua thua lệ làng”, đi ngược lại với tinh thần thích ứng linh hoạt của Nghị quyết 128. Theo ông, việc ra quy định máy móc làm khó người dân thể hiện một bộ phận lãnh đạo còn chưa thích ứng được với tình hình mới. Đây còn là biểu hiện của việc không tuân thủ quy định của Chính phủ, chính quyền cấp dưới “chỉ lo giữ ghế” mà không quan tâm tới việc người dân chịu phiền hà ra sao.

Trước tình hình đó, thật mừng là Chính phủ đã có những quyết sách kịp thời để hướng dẫn các địa phương chấn chỉnh về những phiền toái trong quy định phòng chống dịch những ngày qua, trong đó nhấn mạnh các địa phương không đặt ra những quy định về phòng, chống dịch trái với hướng dẫn, quy định của Bộ Y tế, của Chính phủ, gây khó khăn không cần thiết cho người dân nhất là trong dịp về quê ăn Tết Nguyên đán Nhâm Dần. 

Đây là động thái tích cực được nhân dân ủng hộ cao khi ngày Tết nguyên đán đang cận kề, nhiều gia đình và cá nhân đang lên phương án để về quê ăn Tết. Do đó, nếu những biện pháp địa phương áp dụng đang hơi quá đà sẽ khiến người dân e ngại về quê dịp Tết, thậm chí còn gây bức xúc trong dư luận. Trong khi đó, hiện nay về cơ bản người dân đã được tiêm phòng vắc xin, thậm chí là mũi tăng cường và qua 4 đợt dịch trong 2 năm qua, ý thức phòng chống dịch và bảo vệ cho bản thân đã tăng cao hơn đáng kể.

Cho nên, để đảm bảo an toàn trong dịp này, phương án hữu hiệu nhất vẫn là tập trung triển khai “Thần tốc” và “Thần tốc hơn nữa” trong việc tổ chức việc tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên và mũi 2 cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi. Đặc biệt chú ý tổ chức tiêm an toàn, thuận lợi cho những người có nguy cơ cao. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân, công nhân, người lao động thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch, nhất là trong quá trình di chuyển về quê, sinh hoạt trong dịp Tết và trở lại nơi làm việc sau Tết.

Dù không được chủ quan lơ là nhưng Tết với mỗi người Việt luôn có ý nghĩa to tát và tất nhiên, không ai có quyền cấm người dân về quê ăn Tết. Thế nhưng, chúng ta cũng đồng cảm và chia sẻ với các cấp lãnh đạo và đội ngũ y tế tuyến đầu chống dich, họ cũng phải chịu những áp lực và hai chữ “trách nhiệm” với nhân dân. Vậy nên, Tết cho dù không thể thiếu nhưng thích ứng phòng chống dịch trong tình hình mới và nêu cao ý thức cộng đồng sẽ giúp cho mỗi người chúng ta có cái Tết thật đầm ấm, an toàn và cũng là để an lòng cho những người lãnh đạo và đội ngũ phòng chống dịch được an tâm, giảm bớt áp lực và nỗi lo trong cuộc chiến với đại dịch.

0 comments:

Đăng nhận xét