Thứ Tư, 3 tháng 11, 2021

ĐIỆN BIÊN PHỦ Hợp tuyển công trình khoa học

 PHẦN THỨ NHẤT

CHIẾN CUỘC ĐÔNG XUÂN 1953-1954
BỐI CẢNH CỦA TRẬN QUYẾT CHIẾN CHIẾN LƯỢC

 

BỐI CẢNH VÀ TÌNH HÌNH ĐỊA BÀN ĐIỆN BIÊN PHỦ*

I-BỐI CẢNH

Đến năm 1953, cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp tiến hành ở Việt Nam, Lào, Campuchia đã bước sang năm thứ tám.

Tình hình nguy khốn của quân Pháp trên chiến trường Đông Dương vào đầu năm 1953 đã buộc đế quốc Pháp phải có những phương sách mới, cấp thiết để cứu vãn tình thế. Chính phủ Pháp cho rằng phải tập trung mọi cố gắng tìm ra một "lối thoát danh dự", "lối thoát trong thắng lợi"; muốn đạt được mục tiêu đó, trước mắt cần ra sức đẩy mạnh chiến tranh, giành thắng lợi quân sự tương đối lớn.



Vào giữa năm 1953, được sự thoả thuận của Mỹ, Chính phủ Pháp chỉ định tướng Nava làm Tổng Chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương, thay tướng Xalăng. Mặc dầu chưa nổi tiếng như tướng Đờ Lát Đờ Tátxinhi, nhưng Nava là một nhân tài quân sự trong hàng tướng trẻ của quân đội Pháp lúc bấy giờ, có tri thức quân sự và nhãn quan chiến lược. Sau một thời gian ngắn điều tra nghiên cứu chiến trường Đông Dương, Nava đã phác hoạ một kế hoạch chiến lược tương đối hoàn chỉnh nhằm cải biến tình hình, hòng chuyển bại thành thắng và trong một thời gian ngắn giành thắng lợi chiến lược có tính quyết định.

Về quân sự, Nava và các tướng tá Pháp - Mỹ nhận định rằng tình hình chiến sự ngày càng bất lợi đối với quân đội viễn chinh Pháp, quân đội của đối phương đã lớn mạnh hơn nhiều, có bộ đội chủ lực rất thiện chiến, bộ đội địa phương quen thuộc chiến trường, có lực lượng cơ động mạnh gồm nhiều đại đoàn trang bị tương đối tốt, tinh thần chiến đấu anh dũng, có khả năng mở những chiến dịch quy mô tương đối lớn.

Chiến tranh du kích phát triển cao đã giam chân và tiêu hao nhiều sinh lực của chúng. Trong khi đó lực lượng quân viễn chinh Pháp ngày càng lâm vào tình trạng phân tán và bị động. Phần lớn lực lượng phải làm nhiệm vụ phòng ngự trong hàng ngàn đồn bốt trên khắp các chiến trường. Lực lượng chiếm đóng địa phương đã suy yếu, lực lượng tổng dự bị càng suy yếu hơn, thiếu hẳn một lực lượng cơ động chiến lược mạnh để đối phó với các cuộc tiến công của chủ lực ta, hoặc để mở những cuộc phản công giành lại quyền chủ động.

Từ tình hình thực tế đó, Nava thấy phải thay đổi tình thế, trên cơ sở xây dựng một "quân đoàn tác chiến" mạnh hơn chủ lực ta, lấy việc gấp rút tập trung một lực lượng cơ động chiến lược đủ sức tiến công và tiêu diệt chủ lực ta làm biện pháp chủ yếu để thoát khỏi tình trạng bị động phòng ngự, tiến tới giành thế chủ động. Biện pháp tăng cường lực lượng cơ động chiến lược của Nava là ráo riết tăng cường quân nguỵ thay thế quân chiếm đóng Âu – Phi, xin thêm viện binh, chấn chỉnh biên chế, rút gọn cơ quan.
Xem thêm tại: https://chiensitre.forumvi.net/t3488-topic#18616

0 comments:

Đăng nhận xét