Thứ Năm, 28 tháng 10, 2021

Thử nhận diện tiểu thuyết từ sau 1945 (Phần 2)

 3. Những cuốn tiểu thuyết thoát thai từ ghi chép, ý nghĩa đứng đắn của khái niệm “tiểu thuyết ký sự”

Vào khoảng đầu 1957, trên tạp chí Văn nghệ quân đội nhà văn Nguyễn Khải bắt đầu cho đăng dần Xung đột. Lúc đầu anh “bịa” cho tác phẩm của mình một thể loại: ghi chép, và chưa chia nhỏ thành chương, mà lại gọi là tập – tập I, II, III, IV… Nhưng dư luận đã sớm trả lại cho tác phẩm cái tên thật của nó, trên báo Văn họcít lâu sau đó, nhà văn Vũ Tú Nam sớm nhận xét rằng ở Nguyễn Khải rất rõ bản lĩnh một người viết tiểu thuyết. Mặc dù khi gộp in lại thành tập, Xung đột vẫn chỉ được gọi là truyện dài (như những Chủ tịch huyện, Hãy đi xa hơn nữa cũng thường được gọi là truyện, truyện vừa), song trước sau, đây vẫn là một tiểu thuyết đặc sắc của chúng ta mấy chục năm gần đây. Đứng về mặt dạng tiểu thuyết mà xét, Xung đột lại là một ví dụ tốt, để chúng ta thấy một con đường hình thành tiểu thuyết khác từ 1945 tới nay, là hình thành từ các thể ký. Các tiểu thuyết này thường có đặc điểm chung như sau:
– Thoạt đầu, nhà văn chỉ “khiêm tốn”  đóng vai trò của một nhà báo, đi thu nhặt tài liệu.
– Đối tượng được nói tới là những sự kiện đang xảy ra, những con người đang sống, làm việc (với nghĩa hẹp của mấy chữ này). Cái thời hiện đại của các dữ kiện được tô đậm.
– Nhưng do biết nắm được bản chất vấn đề đang diễn ra trong đời sống, chiếu dọi vào đó một cách nhìn riêng, một cách giải thích riêng, nhà văn lại tạo ra cho câu chuyện một sức ám ảnh mới mẻ. Chính khi đó, cái mà chúng ta có trong tay không thể gọi là gì khác, ngoài chữ tiểu thuyết.
Ngay từ 1950, nhà văn Nguyễn Đình Thi đã từ ký sự Vĩnh Yên tường thuật viết thành tiểu thuyết Xung kích.
Hai chục năm về sau từ những ấn tượng thu hoạch được sau chuyến đi chiến dịch Khe Sanh, nhà văn Nguyễn Minh Châu viết nên Dấu chân người lính. Đào Vũ trong Cái sân gạch, Nguyễn Gia Nùng trong Sao băng. Huy Phương trong Xi Măng, v.v… cũng có cách xử lý tài liệu tương tự.
Ngay từ trước Cách mạng, loại tiểu thuyết phóng sự ở ta đã rất phát triển, ở nhiều cuốn sách nổi tiếng của Vũ Trọng Phụng như Giông tố, như Vỡ đê, chất phóng sự còn thấy rất rõ. Nhiều tiểu thuyết của chúng ta hôm nay lẽ ra cũng có thể gọi là tiểu thuyết ký sự, việc gọi như thế này chỉ nói về cách viết mà không hàm ý đánh giá.
Một nhà nghiên cứu về mỹ thuật, khi tìm hiểu các thể tranh của ta, từ sau 1945 có nói đến một thể tổng hợp: ở đó có phong cảnh, lại có con người, nhưng không phải tranh tĩnh vật, cũng không phải chân dung, thậm chí cũng không phải phong cảnh thuần tuý (sự thuần tuý thường thấy ở mỹ thuật phương Tây), mà phải có đủ các yếu tố nói trên, cái nọ dựa vào cái kia. Hình như nhiều tiểu thuyết ký sự của chúng ta hôm nay cũng đang được hình thành, theo kiểu “tổng hợp” như vậy?
4. Cái sắc thái đa dạng của tiểu thuyết hiện thực và hướng đi thống nhất của một sự “tung hoành”:
Theo như cách phân chia của Vũ Ngọc Phan trong Nhà văn hiện đại quyển tư, tiểu thuyết trước cách mạng gồm có các thể loại như sau:
1. Tiểu thuyết phong tục (Khái Hưng, Trần Tiêu, Bùi Hiển)
2. Tiểu thuyết luận đề (Nhất Linh, Hoàng Đạo)
3. Tiểu thuyết luân lý (Lê Văn Trương)
4. Tiểu thuyết truyền kỳ (Lan Khai, Đái Đức Tuấn)
5. Tiểu thuyết phóng sự (Chu Thiên)
6. Tiểu thuyết hoạt kê (Đồ Phồn)
7. Tiểu thuyết tả chân (Nguyễn Công Hoan, Tô Hoài)
8. Tiểu thuyết xã hội (Nguyên Hồng)
9. Tiểu thuyết tình cảm (Thạch Lam, Thanh Tịnh)
10. Tiểu thuyết trinh thám (Phạm Cao Củng)
Cách phân chia như thế này, vừa rắc rối, vừa không chính xác – đấy là điều nhiều người đã nhận xét. Ngày nay, nhìn vào văn học trước 1945, người ta cũng không dùng lối phân chia đó nữa, đừng nói chi văn học sau Cách mạng, với những đặc điểm riêng trong nội dung và hình thức, mà hiện nay chúng ta đang tổng kết. Trên nét lớn, dòng tiểu thuyết chủ yếu hôm nay là những tiểu thuyết hiện thực. Chữ hiện thực này bao quát hơn hai chữ tả chân. Vì đi sâu vào phong tục, hoặc tô đậm các mối quan hệ tình cảm, vẫn có thể là hiện thực. Và cái hiện thực lớn nhất là cả xã hội mà nhà văn phải nhận thức. Tính tư tưởng trong tiểu thuyết hiện nay được coi trọng nên có thể coi tất cả tiểu thuyết hôm nay là tiểu thuyết luận đề. Nhưng yêu cầu của một cuốn tiểu thuyết tốt hiện nay, là tài liệu phải sinh động, tư tưởng phải sắc bén, vả chăng tư tưởng cần toát ra một cách tự nhiên qua tình thế, nên không có chuyện tách rời yếu tố tả chân và yếu tố luận đề. Lấy những khái niệm trên để pohân chia tiểu thuyết thì không nên. Nhưng lấy đó để nhấn mạnh sắc thái nổi bật ở tiểu thuyết này hay tiểu thuyết khác thì toàn toàn có lý. Và người ta có thể nhận thấy, trong tiểu thuyết Việt Nam hôm nay có rất nhiều sắc thái. Vốn mạnh về tả chân, Tô Hoài thường đậm đà hơn cả trong những trang phong tục (rõ nhất: Đảo hoang). Cũng là Nguyễn Khải, trong khi Xung đột rất gần với các phóng sự thì Chiến sĩ có cốt cách của một cuốn tiểu thuyết phiêu lưu (không thật hấp dẫn song vẫn là phiêu lưu), còn Cha và con và… lại có chất luận đề khá rõ (luận đề là một đặc điểm chung ở Nguyễn Khải). Nhìn chung từ Nguyễn Đình Thi, Hữu Mai tới Nguyễn Thế Phương, Nguyễn Thị Ngọc Tú, v.v… ở văn xuôi ta, tiểu thuyết Việt Nam ta hôm nay, chất thơ khá đậm, tuy hiểu về chất thơ này khác nhau, và mức độ ở mỗi người cũng một khác. Nhà văn Tô Hoài từng viết:
… Truyện là một thể lẫn lộn, cốt sao cho nổi vấn đề, nổi nhân vật. Cần tả trực diện, cần đá sang lối ghi chép, cần có hơi như bút ký, như thơ, như kịch (có làm thế mới toát hết được tinh thần đoạn ấy) xin cứ việc làm. Chỉ như vậy, hình thức của mỗi thể sáng tác mới làm đầy đủ nhiệm vụ giúp sức cho nội dung, tạo cách cho người viết phóng tay đi sâu vào bất cứ khía cạnh kín đáo, khó khăn nào của vấn đề của tâm tư nhân vật.
(Một số kinh nghiệm viết văn của tôi)
Có điều, cũng là “tung hoành”, nhưng mỗi thời đại, các nhà văn lại “tung hoành” theo một cách khác và mở lối mở đường theo cách khác. Nghĩa là tung hoành  đấy mà cũng có giới hạn đấy. Nhìn vào những tìm tòi trong tiểu thuyết Việt Nam từ sau 1945 tới nay – các nhà văn chúng ta tung hoành về phía hướng vào đời thực chứ không vào hướng ước lệ, siêu hình; vào hướng tạo ra một cách viết rõ ràng, giản dị theo thói quen cảm thụ của nhiều người, chứ không vào hướng văn xuôi nhiều nghĩa bóng gió, kiểu các loại truyện ngụ ngôn và các thể nghiệm kỹ thuật khá phức tạp khác.
Tóm lại, từ sau 1945 đến nay, tiểu thuyết Việt Nam có diện mạo riêng của nó, những qui cách để người ta làm ra nó, không ai bảo ai, nhưng khá nhất trí. Việc thử miêu tả một hai cách thức hình thành tiểu thuyết như trên, chỉ mới là những phác hoạ đơn sơ.
5. Những chuyện nhầm thú vị. Tiểu thuyết và vấn đề nâng cao chất lượng văn xuôi hiện nay.
Tại một cuộc tranh luận văn nghệ ở Việt Bắc kháng chiến, bên cạnh nhiều vấn đề trong sân khấu hội hoạ, bên cạnh thơ Nguyễn Đình Thi… , tùy bút của Nguyễn Tuân cũng được mang ra để mổ xẻ góp ý kiến. ấy là nhân Đường vui được xuất bản hồi ấy. Phát biểu tại hội nghị, trong khi mọi người chỉ nói đến tuỳ bút thôi, thì Nguyễn Tuân lại nói đến tiểu thuyết. Con người “viết gì cũng ra tuỳ bút” này không nói về cái sở trường của mình. Hướng về cái thể loại mà không ai bảo là Nguyễn Tuân thông thạo, ông lên tiếng kêu gọi:
Nhân nói đến tuỳ bút, tôi có ý kiến là chúng ta ghi chép tài liệu đã nhiều. Bây giờ là thời kỳ viết tiểu thuyết, đừng viết tuỳ bút nữa (V.T. N. gạch dưới). Viết tiểu thuyết nhiều chúng ta thấy ngại. Người thì cho đã viết phải toàn vẹn phải hay. Có lẽ vì chúng ta hoặc lại quá tự miệt mình. Theo ý tôi, cứ nên viết tiểu thuyết đi.
(Văn nghệ, số tranh luận)
Có lẽ vì biết Nguyễn Tuân cũng thích tiểu thuyết cho nên sau này, khi Sông Đà ra đời, muốn khen cho hết lời, Nguyên Ngọc liền nhấn mạnh đến cái chất tiểu thuyết của nó.
Khi khép lại trang sách cuối cùng, tôi có cái cảm giác vừa đọc xong một c uốn tiểu thuyết.
… Anh đã nâng thể tùy bút, thể văn sở trường của anh lên một bước mới, tạo thành như là một thứ “tùy bút tiểu thuyết”.
(Cảm tưởng đọc Sông Đà của Nguyễn Tuân, Báo Văn học 23-9-1960)
Nguyễn Khải ở trên kia nhầm tiểu thuyết của mình là ghi chép (ghi-ký): nay Nguyên Ngọc lại gọi những trang văn xuôi tiêu biểu cho tùy bút của người khác bằng tiểu thuyết; mỗi người biểu lộ sự kính trọng của mình với tiểu thuyết theo một kiểu. Nhưng cả mấy câu chuyện có thực này, cũng như nhiều chuyện khác, chỉ chứng tỏ một điều mà từ đầu chúng tôi đã nói: tiểu thuyết là ở trong niềm mong mỏi của mọi người. Với nhiều cây bút văn xuôi, viết tiểu thuyết có nghĩa tài năng đã trưởng thành, nghề nghiệp đã chín, “võ nghệ” ít nhiều đã thuộc loại “cao cường”. Vả chăng, chẳng phải chỉ ở Việt Nam, mà ở nhiều nước khác cũng có tình trạng như vậy. Một nhà văn Xô-viết vốn là người của một dân tộc thiểu số ở Liên xô, nói hộ chúng ta:
ở các nền văn học trẻ, văn xuôi, đặc biệt tiểu thuyết, đang là một ngành chủ đạo, tác phẩm thơ ca mất đi sự ôm trùm vốn có của nó. Và đằng sau chữ tiểu thuyết, người ta hiểu (cả nhà văn và độc giả đều hiểu vậy) đây là một dấu hiệu của chất lượng.
(Trích từ tạp chí Những vấn đề văn học, tiếng Nga, số 9-1971)
Quả có như vậy. Một mặt nhìn vào từng tác phẩm, chúng ta có thể cả quyết như đinh đóng cột: tác phẩm hay hay dở là do nội dung và hình thức trong đó quyết định; gọi tác phẩm là ký hay mệnh danh nó là tiểu thuyết không bao giờ hàm ý nghĩa đánh giá nó về mặt chất lượng. Song, nhìn chung cả nền văn học mà xét, đòi hỏi ngày càng có thêm nhiều tiểu thuyết, phấn đấu để tỉ trọng của tiểu thuyết trong toàn bộ nền văn học – tiểu thuyết với đúng nghĩa của nó – ngày một cao hơn, hoàn toàn là một đòi hỏi chính đáng. Sau hết, bản thân sự vận động của tiểu thuyết với tư cách một thể loại, cũng là một đối tượng cần được khảo sát. Chẳng những việc đó giúp chúng ta hiểu thêm chính xác nền văn học hôm nay, mà còn tạo ra một căn cứ xác đáng để khẳng định đóng góp của nền văn học hôm nay với lịch sử văn học lâu dài của dân tộc.
1980
Vương Trí Nhàn

0 comments:

Đăng nhận xét